Thời gian tới, nếu có bằng Đại học, giáo viên sẽ hưởng mức lương cao hơn?
- Thái Nguyễn
- Jun 5, 2020
- 5 min read
Tôi nghe nói, có thể từ năm 2021 sẽ cải cách tiền lương, áp dụng bảng lương mới đối với giáo viên, bảng lương này sẽ định vị các bậc lương theo thực tiễn trình độ đào tạo của giáo viên đã được nâng chuẩn. Vậy hiện nay, tôi đã có bằng Đại học do trong quá trình giảng dạy tôi đã tự đi học lên thì sắp tới, tôi có được hưởng lương theo bằng Đại học hay không?

Sau cải cách tiền lương, có bằng Đại học lương giáo viên đương nhiên tăng mạnh – Ảnh minh họa
Trả lời:
Theo tinh thần của Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, trong năm 2020, sẽ hoàn thành Nghị định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thay thế Nghị định 204/2004/NĐ-CP hiện nay. Theo Nghị quyết 27-NQ/TW, Nghị định mới này sẽ thiết kế gồm 05 bảng lương mới, áp dụng mức lương cụ thể đối với cán bộ, công chức, viên chức và mức lương cụ thể này sẽ được tính căn cứ theo vị trí việc làm của từng đối tượng, trong đó, đối với bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo sẽ thực hiện theo nguyên tắc:
– Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau;
– Điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề.
Ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho hay, theo quy định hiện nay, lương của giáo viên là viên chức sẽ được trả theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng. Các giáo viên mới vào ngành sẽ có chức danh thấp nhất nên mức lương nhận được cũng là mức thấp nhất.
Tuy nhiên, theo dự kiến, cách tính lương mới của giáo viên sau cải cách tiền lương sẽ không còn khái niệm lương cơ bản mà sẽ đưa ra bậc lương ban đầu bằng lượng tiền cùng các hệ số và được nâng lên bởi trình độ đào tạo. Theo cách tính này, có thể thấy lương giáo viên, đặc biệt bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở sẽ được nâng lên so với hệ thống hiện nay, nhất là với đội ngũ giáo viên mới vào nghề khi mà chuẩn đào tạo được yêu cầu đối với các giáo viên cũng đã được nâng lên đáng kể.
Hiện nay, mức lương ban đầu với hệ trung cấp là hệ số 1,86; hệ đại học là 2,34. Như vây, với việc có bằng Đại học, cùng với cách tính lương mới này thì sau cải cách tiền lương, mức tăng lương của giáo viên các cấp mà đặc biệt là giáo viên tiểu học sẽ là rất lớn.
Ông Hoàng Đức Minh cũng cho biết thêm, bậc lương mới của giáo viên sẽ gắn với trình độ đào tạo và gắn với hệ thống thang bậc lương chung nhưng có phụ cấp ưu đãi nghề. Ngành giáo dục sẽ không có bảng lương riêng so với các ngành nghề khác, nhưng định vị các bậc lương theo thực tiễn trình độ đào tạo của giáo viên. Đây cũng là căn cứ để khởi đầu cho bậc lương ở bậc mầm non, tiểu học, THCS. Đối với giáo viên mầm non, từ ngày 01/7/2020, chuẩn đào tạo được yêu cầu sẽ nâng từ trung cấp lên Cao đẳng, đối với giáo viên tiểu học thì chuẩn này sẽ nâng từ trung cấp, cao đẳng lên Đại học. Theo một cách logic, việc nâng chuẩn đào tạo như vậy cũng đã kéo theo mức lương của giáo viên được nâng lên so với hiện nay.
Như vậy, có thể thấy, sắp tới, bảng lương mới của giáo viên các cấp sẽ được điều chỉnh cho phù hợp, theo đó, sẽ quy định các bậc lương căn cứ vào vị trí việc làm và trình độ đào tạo thực tế của giáo viên, cụ thể, giáo viên có trình độ đào tạo là Đại học và đảm nhiệm vị trí công việc yêu cầu phải có trình độ Đại học thì đương nhiên sẽ được hưởng lương theo bậc Đại học. Ngoài ra, theo tinh thần tại Nghị quyết 27, sau cải cách tiền lương, tiền lương giáo viên sẽ được trả theo đúng năng lực thực chất, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc mỗi người, thay vì phụ thuộc vào thâm niên công tác như hiện nay. Theo đó, người dù mới được tuyển dụng/bổ nhiệm nhưng nếu đáp ứng được yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó thì sẽ được trả lương tương xứng với công sức và kết quả làm việc.
Tóm lại, với cách tính lương mới thì sắp tới với việc có bằng Đại học, lương giáo viên sẽ được tăng lên đáng kể.
Cũng theo ông Minh, trong thời gian từ tháng 7/2020 đến khi áp dụng chính sách tiền lương mới, lương của giáo viên sẽ vẫn thực hiện theo các quy định của Chính phủ, cụ thể, giáo viên vẫn được nhận lương theo hệ số hiện hưởng nhân với lương cơ sở. Trước đó, theo Nghị quyết 86/2019/QH14 thì dự kiến từ ngày 01/7/2020, lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức sẽ đồng loạt tăng lên 1.600.000 đồng/tháng (tức tăng 110.000 đồng/tháng so với mức lương cơ sở hiện nay).
Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, sáng ngày 20/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cân nhắc chưa tăng lương cơ sở, lương hưu với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang từ 01/7/2020, do đó, lộ trình cải cách tiền lương có thể sẽ chậm lại so với dự kiến, tức có thể sẽ thực hiện sau 01/7/2021 và thời gian cụ thể sẽ do Ban chỉ đạo cải cách tiền lương quyết định. (Trước đó, theo tinh thần của Nghị quyết 27, tại phiên họp chiều ngày 04/3/2020, Chính phủ đã ấn định thời gian bắt đầu thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2021).
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thì Chính phủ đang tính lùi đến ngày 01/01/2021 sẽ tăng mức lương cơ sở lên 1.600.000 đồng/tháng, từ giờ đến thời điểm đó thì cán bộ, công chức, viên chức vẫn áp dụng mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng.
Comments